Giới thiệu
Giới thiệu về XUNHASABA
Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam - XUNHASABA
Tên công ty viết tắt: XUNHASABA
Đơn vị chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Ngày thành lập: 18-4-1957
Địa chỉ trụ sở chính: Số 32, phố Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam
Sứ mệnh
Từ trước Cách mạng Tháng Tám, việc trao đổi sách báo giữa Việt Nam với các nước trên thế giới đều do người Pháp nắm độc quyền và chi phối, phục vụ việc cai trị của thực dân. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời chưa được bao lâu thì đất nước ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến gian khổ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược nên công tác xuất nhập khẩu sách báo hầu như chưa được phát triển. Công tác xuất nhập khẩu sách báo cách mạng chỉ thực sự hình thành và phát triển sau khi miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đứng trước yêu cầu của công tác mậu dịch sách báo ngoại văn, đặc biệt là với các nước Xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, ngày 18 tháng 4 năm 1957 Bộ Văn hoá ra Quyết định số 28/VH/QĐ thành lập Sở Xuất nhập khẩu Sách báo Trung ương. Bộ đã cử đ/c Dương Gia Thoại làm Giám đốc và đ/c Nguyễn Sỹ Trúc làm Phó giám đốc, cơ quan đóng trụ sở tại số nhà 32 Hai Bà Trưng , Hà Nội, cửa hàng 61 Tràng Tiền lúc đó thuộc Sở. Sở có 04 phòng, đ/c Nguyễn Sỹ Trúc lúc đó đề nghị đặt tên viết tắt và sử dụng trong giao dịch quốc tế là XUNHASABA và được Bộ Văn hoá chấp nhận. Tên gọi XUNHASABA chính thức có từ đó cho đến ngày nay và đ/c Dương Gia Thoại là giám đốc đầu tiên của XUNHASABA, ngày 18/4/1957 cũng chính thức là ngày truyền thống của Công ty.
Các mốc son
Ngày 18 tháng 4 năm 1957 Bộ Văn hoá ra Quyết định số 28/VH/QĐ thành lập Sở Xuất nhập khẩu Sách báo Trung ương – tên giao dịch quốc tế là XUNHASABA, ông Dương Gia Thoại làm Giám đốc, ông Nguyễn Sỹ Trúc làm Phó giám đốc, trụ sở tại số 32 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ngày 05 tháng 10 năm 1961 Chính phủ thành lập Uỷ ban Liên lạc Văn hoá với nước ngoài, XUNHASABA được chuyển sang trực thuộc uỷ ban này.
Ngày 29/8/1967 Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định chuyển XUNHASABA thành Công ty Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam, ngoài nhiệm vụ phục vụ tuyên truyền đối ngoại XUNHASABA còn thực hiện nhiệm vụ kinh doanh ngoại thương, tăng thu ngoại tệ cho nhà nước thông qua xuất khẩu sách báo, tem, văn hoá phẩm.
Tuy nhiên do nhu cầu của công tác tuyên truyền đối ngoại và để hợp lý hoá công tác quản lý, chỉ đạo, ngày 10/8/1970 Hội đồng Chính phủ ra Nghị định 145/CP chuyển Công ty Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam sang trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng với các chức năng, nhiệm vụ như trước.
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, trước nhu cầu phát triển công tác xuất nhập khẩu sách báo, văn hoá phẩm ở miền Nam Ban Tuyên huấn Trung ương lúc đó đã ra Quyết định số 782/QĐ -TH ngày 18/10/1976 thành lập Chi nhánh XunhaSaba tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1978 Ban Tuyên huấn Trung ương bàn giao Công ty Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam cho Bộ Văn hoá.
Thời kỳ từ 1978 - 1988 cùng với sự liên tục thay đổi về tổ chức của các cơ quan chủ quản: Bộ VHTT, Bộ Thông tin, Bộ VHTT-TT-DL, Bộ VHTT, bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất-kỹ thuật (đất đai, nhà cửa, kho tàng) của XUNHASABA cũng liên tục xáo trộn, thay đổi nhưng hoạt động xuất nhập khẩu sách báo, tem, văn hoá phẩm vẫn phát triển rất mạnh nhất là hoạt động nhập khẩu với các nước XHXN Đông Âu, Liên Xô với trên 25 triệu bản sách đủ các thể loại: khoa học-kỹ thuật, văn học, thiếu nhi… tiêu biểu là các công trình hợp tác xuất bản giữ nuớc ta với các nước XHCN: Bộ toàn tập Lê nin 55 tập, tuyển tập Các Mác, Ăng ghen, Sông Đông êm đềm, Kiến và chim bồ câu, Bác sỹ Ai bô lít… xuất bản bằng tiếng Việt Nam, hàng trăm triệu bản báo chí (nhất là các loại báo ảnh các nước in bằng tiếng Việt) và hơn 13 triệu văn hoá phẩm: tem chơi, băng nhạc, đĩa hát, bưu ảnh… XunhaSaba cũng đã xuất khẩu đi các nước hơn 5 triệu bản sách, trên 27 triệu bản báo, tạp chí, 17 triệu bưu ảnh và hơn 100 triệu con tem các loại với tổng kim nghạch đạt 2,5 - 3 triệu Rúp - Đô la .Có thể nói đây là thời kỳ mà các các tác phẩm văn học , thiếu nhi , bưu ảnh truyền thống của Việt Nam đến được với bạn đọc các nước Liên Xô và Đông Âu với số lượng lớn nhất, nhiều lớp bạn đọc các nước này cho đến nay vẫn còn nhớ đến các truyện cổ tích: Tấm Cám, Thánh Gióng, Sự tích trầu cau… của Việt Nam xuất bản bằng tiếng Nga, Anh, và các nước Đông Âu.
Sau năm 1988 khi Liên Xô và hệ thống XHCN Đông Âu lâm vào khủng hoảng, hoạt động xuất nhập khẩu sách báo của XUNHASABA gặp những khó khăn chồng chất tưởng chừng như không vượt qua nổi cả về nguồn hàng, thị trường, cơ chế thanh toán…Sang các năm 1990-1991, XUNHASABA đã mạnh dạn chuyển sang hạch toán kinh tế toàn diện, cải tiến các khâu kinh doanh, tổ chức lại bộ máy, mở rộng phát triển xuất nhập khẩu với các nước tư bản chủ nghĩa nên đã cơ bản vượt qua khủng hoảng và kinh doanh có lãi xấp xỉ 550 triệu đồng, nộp nghân sách nhà nước 331 triệu đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần nửa triệu đô la Mỹ.
Từ năm 1991 đến 1998 là thời kỳ mà hoạt động của Công ty phát triển theo hướng đa dạng hoá để tìm hướng đi, tìm kiếm sự tăng trưởng nhanh cả về doanh thu và lợi nhuận, tuy vậy cũng đã vấp phải những thất bại đầu tiên trong việc mở rộng nghành nghề, mặt hàng do thiếu kinh nghiệm, chủ quan, chưa nắm vững pháp luật về kinh doanh.
Từ năm 1998 tới nay tình hình chung của đất nước đã có nhiều thay đổi theo xu thế đổi mới, phát triển và từng bước hội nhập với nền kinh tế thế giới. Với sự ra đời của Nghị định 98/NĐ-CP giờ đây đã có nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia xuất khẩu sách báo với những mức độ khác nhau, Việt kiều ta ở các nước có một số cũng đã về trong nước đặt mua sách báo, văn hoá phẩm tạo nên sự sôi động của mậu dịch sách báo đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Tuy nhiên để sách báo Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn nữa tới bạn bè quốc tế cũng như kiều bào ta ở nước ngoài thì ngoài sự cố gắng của các nhà xuất khẩu như XunhaSaba còn phải có sự nỗ lực rất lớn, thường xuyên của ngành xuất bản, báo chí để sao cho có nhiều hơn nữa các sách báo Việt Nam xuất bản bằng tiếng các nước với đầy đủ các tiêu chuẩn: chỉ số quốc tế, mã vạch quốc tế, chất lượng ấn loát quốc tế với ít sai sót nhất về chính tả, ngữ pháp, văn phạm và với nội dung phong phú, phản ánh toàn diện, đầy đủ nhất về đất nước và con người Việt Nam với truyền thống lịch sử hàng ngàn năm văn hiến, và cũng cần phải có những chính sách phù hợp về giá cước vận chuyển sách báo ra nước ngoài, đầu tư các trung tâm văn hoá Việt Nam ở các nước lớn có nhiều kiều bào ta sinh sống…
Về nhập khẩu xuất bản phẩm, cùng với sự ra đời của Luật Xuất bản mới năm 2004 , một số doanh nghiệp cũng đã chính thức tham gia vào hoạt động nhập khẩu xuất bản phẩm, tạp chí chuyên ngành, tạo nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về giá cả, chất lượng dịch vụ trong khi nhu cầu chung của cầu trên thị trường là nhỏ bé, ít phát triển do thu nhập của nhân dân ta còn thấp, ngân sách nhà nước dành cho các thư viện, cơ sở nghiên cứu cũng rất eo hẹp, giá bán của các XBP, báo chí nhập khẩu, thường là khá cao, điều kiện phát hành đòi hỏi các cơ sở vật chất kỹ thuật cao hơn các XBP, báo chí nội địa.
Trên thế giới tình hình kinh doanh xuất bản phẩm, báo chí in truyền thống cũng đã có những sự thay đổi rất nhanh. Cùng với sự phát triển, bùng nổ của công nghệ thông tin, “internet”, các loại hình sách, báo chí điện tử , trang thông tin trên mạng “website” đã ra đời và phát triển nhanh chưa từng thấy, cạnh tranh dữ dội với sách báo in truyền thống, tạo nên lớp lớp những khó khăn mới trong kinh doanh sách, báo chí đối với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh sách báo in truyền thống trong đó có XunhaSaba.
Những khó khăn, bất cập về tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động lại tiếp tục đè nặng lên XunhaSaba với việc bị đưa vào làm đơn vị thành viên của Tổng Công ty PHS Việt Nam theo mô hình Tổng Công ty 90 rất khiên cưỡng. Với mô hình này rất nhiều khó khăn, bất cập lại đến với XunhaSaba: tăng các thủ tục hành chính, thêm cấp trung gian, tăng các chi phí đầu vào và nhất là lại phải tốn thêm quỹ thời gian chờ đợi hoàn tất các thủ tục hành chính vốn đã rất nhiều đối với các doanh nghiệp kinh doanh.
Ngày 17 tháng 9 năm 1999 đánh dấu sự ra đời trang Website www.xunhasaba.com.vn phục vụ cho xuất khẩu và là một trong những trang web đầu tiên của Việt Nam bạn đọc trên khắp thế giới có thể dễ dàng tìm hiểu và đặt mua sách báo Việt Nam qua trang web này.
Liên tiếp các năm 2004, 2005, 2006 Thương hiệu XunhaSaba được khách hàng của mạng Thương hiệu Việt, Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam bình chọn và trao tặng cúp vàng TOPTEN Thương hiệu Việt uy tín, chất lượng.
Đảng, nhà nước cũng đánh giá cao những thành tích đạt được của đơn vị trong suốt 50 năm qua, XunhaSaba đã vinh dự được được tặng thưởng 2 Huân chương Lao động Hạng Ba, nhiều bằng khen, liên tiếp trong 3 năm 2004, 2005, 2006 được tặng Cờ Thi đua Xuất sắc của Bộ VHTT và vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động trong ngày Lễ kỷ niệm 50 năm (18-4-2007) ngày truyền thống vẻ vang của mình.
Ngày 18 tháng 4 năm 2012, trong ngày Lễ mừng kỷ niệm XunhaSaba tròn 55 năm tuổi, toàn thể CBCNV Công ty hân hoan chào mừng đón nhận Huân chương Lao động Hạng nhất của TT Chính phủ trao tặng đánh giá cao những thành quả đóng góp của đơn vị trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp hơn.
Ngoài sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, phải nhấn mạnh rằng mỗi thành tích của XunhaSaba đều gắn liền với sự chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ (như trợ giá cước xuất khẩu một số loại sách báo, đầu tư một phần cơ sở vật chất cho Chi nhánh XunhaSaba tại Tp.HCM, đưa XunhaSaba là Doanh nghiệp thương mại nhà nước độc quyền - nhà nhập khẩu duy nhất và phân phối bán buôn báo chí trong các văn kiện đàm phán gia nhập tổ chức WTO và được các thành viên WTO chấp nhận) của Đảng, chính phủ, Bộ VHTT và các cơ quan nhà nước hữu quan, sự hợp tác tích cực của các khách hàng, đối tác trong và ngoài nước trong suốt hơn 50 năm qua đã và đang dành cho XunhaSaba.
Huân huy chương
- Huân chương Lao động hạng Ba - 1992.
- Huân chương Lao động hạng Nhì - 2007.
- Huân chương Lao động hạng Nhất - 2012
Thay cho lời kết
Toàn thể CBCNVC XunhaSaba đều thấm nhuần rằng công việc của mình ngoài những ý nghĩa kinh doanh mưu sinh đơn thuần còn mang đầy những ý nghĩa nhân văn cao cả làm nhịp cầu thông tin đối ngoại góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, đưa nước ta hội nhập với quốc tế, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, kém phát triển, đưa đất nước ta lên một tầm cao mới.
CHỦ TỊCH HĐTV
CÔNG TY TNHH MTV XUẤT NHẬP KHẨU SÁCH BÁO VIỆT NAM - XUNHASABA